
Jan
Đăng Ký Bản Quyền Ý Tưởng Kinh Doanh: Những điều bạn cần biết!
15/01/2025 07:55:45
Ý tưởng kinh doanh là một khái niệm trong lĩnh vực kinh doanh, chỉ loại ý tưởng có tính sáng tạo đem đến lợi nhuận trong kinh doanh và mang các đặc điểm sau:
Cơ sở pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 (Luật Sở hữu trí tuệ 2005);
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19/6/2009 (Luật Sở hữu trí tuệ 2009);
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16/6/2022 (Luật Sở hữu trí tuệ 2022);
- Nghị định số 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
Ý tưởng kinh doanh là gì?
Ý tưởng kinh doanh là một khái niệm trong lĩnh vực kinh doanh, chỉ loại ý tưởng có tính sáng tạo đem đến lợi nhuận trong kinh doanh và mang các đặc điểm sau:
Tính vượt trội: ý tưởng kinh doanh nhằm tạo ra lợi thế cho một tổ chức kinh doanh hay cá nhân kinh doanh, vì vậy ý tưởng phải nhấn mạnh ưu thế cụ thể nào đó về sản phẩm, dịch vụ hơn hẳn mọi thứ kinh doanh hiện có.
Tập trung chủ yếu là các sản phẩm công nghệ cao: hàng điện tử, máy móc,...
Tính độc đáo: đây là khía cạnh nổi bật nhất, thể hiện sự sáng tạo của một ý tưởng kinh doanh có thể sử dụng.
Nếu không thể đạt tính vượt trội do khả năng đầu tư công nghệ hạn chế, hãy nhấn mạnh sự khác biệt.
Tính mới mẻ: đây là khía cạnh thể hiện giá trị của một ý tưởng kinh doanh. Chúng cần phải là ý tưởng đầu tiên, chưa có trên thị trường. Việc sử dụng một sản phẩm cũ hay dịch vụ cũ sẵn có để kinh doanh không thể hiện tính sáng tạo nên không thể gọi là ý tưởng kinh doanh một cách đúng nghĩa được.
Tính thực dụng: đây là khía cạnh chứng tỏ lợi nhuận thật sự của một ý tưởng kinh doanh. Thông thường một ý tưởng kinh doanh được tạo ra phải xoay quanh nhu cầu của con người, không thể xa rời điều đó. Ý tưởng kinh doanh tìm kiếm trong thực tế các nhu cầu và đáp ứng chúng. Các doanh nghiệp vì vậy thường chú trọng các hoạt động lấy ý kiến khách hàng để cải tiến sản phẩm.
Theo đó, lợi nhuận là mục đích cuối cùng của ý tưởng kinh doanh.
Ý tưởng kinh doanh là gì?
Vì sao phải đăng ký ý tưởng kinh doanh?
Căn cứ theo khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định như sau:
“Điều 6. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ
1. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
2. Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.”
Theo đó, khi ý tưởng được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, quyền tác giả cho tác phẩm sẽ được hình thành. Khác với quyền sở hữu công nghiệp là phải đăng ký mới được bảo hộ bản quyền thì đối với quyền tác giả được phát sinh ngay khi tác phẩm được hình thành và thể hiện ra bằng hình thức nhất định mà không cần phải đăng ký với cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, để có căn cứ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của tác giả đối với ý tưởng kinh doanh của mình thì việc đăng ký bản quyền ý tưởng là việc làm rất cần thiết. Những lợi ích mà việc đăng ký bản quyền có thể thấy một cách dễ dàng như:
- Ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật như: đánh cắp các dữ liệu, sao chép hay lạm dụng ý tưởng với mục đích xấu;
- Chứng nhận tinh thần sáng tạo và nội dung độc quyền của chủ sở hữu;
- Bảo vệ cho quyền lợi chủ sử hữu ý tưởng khi trường hợp tranh chấp giành quyền sở hữu giữa các bên xảy ra.
Thủ tục đăng ký ý tưởng kinh doanh dưới dạng quyền tác giả
Thủ tục đăng ký bản quyền tác giả
Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan theo cách thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.
Căn cứ khoản 2 Điều 50 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 14 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ 2022 quy định về hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan như sau:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan.
+ Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan;
+ Thời gian hoàn thành;
+ Tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng;
+ Tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh;
+ Thời gian, địa điểm, hình thức công bố;
+ Thông tin về cấp lại, cấp đổi (nếu có), cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai.
- Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
- Giấy ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là người được ủy quyền;
- Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
Thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan
Thủ tục đăng ký bản quyền tác giả được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Xác định thể loại tác phẩm đăng ký
Sau khi hoàn thiện tác phẩm, chủ sở hữu, tác giả thực hiện xác định thể loại tác phẩm dự định đăng ký bản quyền.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả
Sau khi xác định được loại hình tác phẩm dự định đăng ký bản quyền, Chủ sở hữu, tác giả tác phẩm tiến hành soạn thảo hồ sơ đăng ký bản quyền theo quy định.
Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả
Nộp trực tiếp tại Cục Bản quyền tác giả tại các địa chỉ sau:
- Cục Bản quyền tác giả: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, TP. Hà Nội.
- Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh: Số 170 Nguyễn Đình Chiểu, P. 6, Q. 3, TP. Hồ Chí Minh.
- Văn phòng đại diện tại TP. Đà Nẵng: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Nộp qua đường bưu điện đến các địa chỉ nêu trên.
Bước 4: Cục Bản quyền tác giả thẩm định cấp Giấy chứng nhận
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
Cục Bản quyền tác giả thẩm định cấp Giấy chứng nhận
Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan
Theo Điều 52 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 15 Điều 1 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định:
- Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp đơn.
- Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người nộp đơn.
Pháp luật quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải nêu rõ lý do từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc đăng ký. Từ đó thúc đẩy hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
Thủ tục đăng ký ý tưởng dưới dạng bí mật kinh doanh
Cách này sẽ đảm bảo ý tưởng của bạn được bảo mật tuyệt đối. Hình thức này thích hợp với những ý tưởng như công thức món ăn gia truyền,… Tuy nhiên, bạn cũng cần cân nhắc về hình thức này bởi sự bảo hộ chặt chẽ và trong trường hợp bạn muốn huy động vốn sẽ khó khăn hơn do sự bảo mật của hình thức này
Theo quy định tại Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở:
+ Có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh
+ Thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó
Theo đó, chỉ cần đáp ứng được 02 điều kiện nêu trên thì bí mật kinh doanh mặc nhiên được bảo hộ, không cần phải đăng ký bảo hộ.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ hoặc kết quả của hoạt động hợp pháp khác để tìm ra, tạo ra hoặc có được thông tin tạo thành bí mật kinh doanh và bảo mật thông tin đó mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với bí mật kinh doanh, chủ thể có bí mật kinh doanh phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ thể hiện hoạt động mà trong đó thông tin tạo thành bí mật kinh doanh được tạo ra, tìm ra, có được và biện pháp bảo mật thông tin đó.
Khuyến cáo: Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Nếu cần được hỗ trợ thêm bạn vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH Biglaw LH - Liên hệ: +84 987951488
Chuyên gia pháp lý: Đỗ Thị Ngọc Châm