Tổng hợp điểm mới 04 Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
5/24/2023 9:49:40 AM
Từ ngày 01/01/2023 có 04 luật sẽ có hiệu lực thi hành. Vậy những điểm mới nổi bật nào được đề cập tại 04 luật này? - Đức Trung (TP.HCM)
1. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022
- Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 (sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ 2005) đã điều chỉnh nhiều quy định và được áp dụng từ ngày 01/01/2023.
- Sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ trong Luật Sở hữu trí tuệ:
Cụ thể, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đã thay đổi một số thuật ngữ đơn cử như: Tác phẩm phái sinh; Tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố; Sao chép; Tiền bản quyền; Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền…
- Điều chỉnh quy định về tác giả, đồng tác giả:
Trong đó, bổ sung quy định mới như sau: Việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả phải có sự thỏa thuận của các đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác hoặc luật khác có quy định khác.
- Bổ sung quyền nhân thân của tác giả:
Cụ thể, bổ sung quy định tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
- Cho phép nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả trên Cổng dịch vụ công quốc gia:
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 sửa đổi khoản 1 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan như sau:
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan theo cách thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.
(Bổ sung hình thức nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính so với quy định hiện hành.)...
Xem thêm: 07 điểm mới nổi bật của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022
2. Luật Cảnh sát cơ động 2022
- Luật Cảnh sát cơ động 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 thay thế Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 2013, theo đó:
- Bổ sung hành vi bị nghiêm cấm đối với Cảnh sát cơ động, đơn cử như:
+ Chống đối, cản trở hoạt động của Cảnh sát cơ động; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ.
+ Mua chuộc, hối lộ hoặc có hành vi ép buộc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động làm trái với nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Đồng thời, cụ thể hóa các hành vi bị cấm liên quan đến Cảnh sát cơ động, đồng thời bỏ đi quy định chung về cấm các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến Cảnh sát cơ động tại.
- Sửa quy định về cấp nhà ở công vụ cho Cảnh sát cơ động:
Khoản 3 Điều 25 Luật Cảnh sát cơ động 2022 quy định Sĩ quan Cảnh sát cơ động sẽ được bố trí nhà ở công vụ.
(Hiện hành, quy định Sĩ quan Cảnh sát cơ động công tác ổn định lâu dài tại địa bàn đóng quân độc lập được bố trí nhà ở công vụ.)
- Ưu tiên các chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động…
Xem thêm: 10 điểm mới nổi bật tại Luật Cảnh sát cơ động 2022
3. Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022
- Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 từ ngày 01/01/2023 sẽ thay thế Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 và Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2010. Đơn cử một số điểm mới nổi bật tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:
- Quy định 05 loại hợp đồng bảo hiểm, gồm:
+ Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ;
+ Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe;
+ Hợp đồng bảo hiểm tài sản;
+ Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại;
+ Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm.
(Hiện hành, chỉ quy định 03 loại hợp đồng bảo hiểm gồm: Hợp đồng bảo hiểm con người; Hợp đồng bảo hiểm tài sản; Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự.)
- Bổ sung một số trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu:
Cụ thể, từ ngày 01/01/2023, hợp đồng bảo hiểm cũng có thể bị vô hiệu nếu rơi vào các trường hợp: Mục đích, nội dung hợp đồng bảo hiểm vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị đe dọa, cưỡng ép; Bên mua bảo hiểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;...
- Bãi bỏ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm:
Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được thành lập để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm phá sản hoặc mất khả năng thanh toán.
Tuy nhiên, Điều 98 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 không còn quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm từ ngày 01/01/2023.
- Từ ngày 01/01/2028, doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản:
Cụ thể, khoản 3 Điều 99 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2028) quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được phép thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp: mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.
(Hiện hành cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi để đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản.)...
Xem thêm: Tổng hợp 11 điểm mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022
4. Luật Điện ảnh 2022
- Một số điểm mới nổi bật của Luật Điện ảnh 2022 được áp dụng từ ngày 01/01/2023 có thể kể đến gồm:
- Bổ sung nguyên tắc quản lý nhà nước về điện ảnh trong hoạt động điện ảnh;
- Phim không có Giấy phép phân loại hoặc Quyết định phát sóng sẽ không được công chiếu:
Theo đó, từ ngày 01/01/2023, các phim muốn công chiếu sẽ không phải xin cấp giấy phép phổ biến (theo quy định hiện hành) mà phải có Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng phim thì mới được công chiếu.
- Quy định về phân loại phim:
Điều 32 Luật Điện ảnh 2022 quy định phim được phân loại theo nội dung để phổ biến phù hợp với độ tuổi người xem hoặc không được phép phổ biến, cụ thể:
+ Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi;
+ Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên;
+ Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên;
+ Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên;
+ Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ;
+ Loại C: Phim không được phép phổ biến.