Hướng dẫn cách thức truy cập danh sách đen trong công tác phòng chống rửa tiền
11/15/2024 4:39:21 AM
Theo quy định, Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ là đối tượng báo cáo phòng, chống rửa tiền theo quy đinh tại khoản điểm i, điểm k khoản 1 Điều 4 Luật Phòng chống rửa tiền và phải ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022.
Khoản 9, Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH15 ngày 15/11/2022 (sau đây gọi tắt là Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022) quy định: “Danh sách đen bao gồm danh sách tổ chức, cá nhân có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố do Bộ Công an chủ trì lập và danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định có liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt do Bộ Quốc phòng chủ trì lập theo quy định của pháp luật”.
1. Cách thức truy cập Danh sách Đen
a) Cập nhật Danh sách tổ chức, cá nhân có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố do Bộ Công an chủ trì lập theo quy định của pháp luật như sau:
- Bước 1: Truy cập “Danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố” trên Công thông tin điện tử của Bộ Công an theo đường dẫn sau: http://bocongan.gov.vn/khung-bo/to-chuc-khung-bo.html;
- Bước 2: Lựa chọn các danh sách khủng bố có liên quan (Danh sách chỉ định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; Tổ chức khủng bố Việt Tân; Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời; Tổ chức khủng bố “Triều Đại Việt”).
b) Cập nhật Danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định có liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt do Bộ Quốc phòng chủ trì lập theo quy định của pháp luật như sau:
- Bước 1: Truy cập Công thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng theo đường dẫn sau: http://bqp.vn/home/news/event/list?current=true&urile=wcm:path:/Mod/sa-mod-site/sa-ttsk/sa-tt-cmsk/sa-tt-cmsk-17
Hoặc truy cập Cổng thông tin điện tử Cơ quan thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (Cơ quan Thường trực 81) theo đường dẫn sau: https://cqtt81.vn;
- Bước 2: Truy cập vào mục “Nghĩa vụ trừng phạt tài chính mục tiêu và danh sách bị chỉ định liên quan tới tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt” trên Công thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng;
Hoặc truy cập mục “Danh sách chỉ định Liên Hợp quốc” trên Cổng thông tin điện tử Cơ quan thường trực 81.
Bước 3: Lựa chọn các danh sách chỉ định theo các Nghị quyết số 1718 (2006); Nghị quyết 2231 (2015) và các Nghị quyết kế thừa của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
2. Các biện pháp phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt liên quan đến Danh sách Đen
Điều 44 Luật Phòng, chống rửa tiềnnăm 2022 quy định:
“1. Đối tượng báo cáo phải áp dụng ngay biện pháp trì hoãn giao dịch trong các trường hợp sau đây:
a) Khi có căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc Danh sách đen;
b) Khi có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội, bao gồm: giao dịch do người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự yêu cầu thực hiện và tài sản trong giao dịch thuộc quyền sở hữu hoặc có nguồn gốc thuộc quyền sở hữu, quyền kiểm soát của người bị kết án đó; giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm tài trợ khủng bố;
c) Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại các luật có liên quan.
2. Khi thực hiện biện pháp trì hoãn giao dịch, đối tượng báo cáo phải báo cáo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.
Khoản 2 Điều 64 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 sửa đổi, bổ sung Điều 34 Luật Phòng, chống khủng bố số 28/2013/QH13 như sau:
“a) Sửa đổi, bổ sung Điều 34 như sau:
…..
2. Ngay khi có nghi ngờ khách hàng hoặc giao dịch của khách hàng liên quan đến tài trợ khủng bố hoặc khách hàng nằm trong Danh sách đen thì tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan báo cáo cho lực lượng chống khủng bố của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và phải áp dụng các biện pháp tạm thời theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.”.
Điều 12 Nghị định 19/2023/NĐ-CP quy định:
1. Căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan tới giao dịch thuộc Danh sách đen để trì hoãn giao dịch khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Cá nhân, tổ chức liên quan tới giao dịch có thông tin trùng khớp toàn bộ với thông tin của cá nhân, tổ chức thuộc Danh sách đen;
b) Cá nhân liên quan tới giao dịch có một trong các nhóm thông tin: họ và tên, ngày, tháng, năm sinh hoặc họ và tên, năm sinh, quốc tịch hoặc họ và tên, địa chỉ hoặc tên và địa chỉ hoặc tên và số Hộ chiếu hoặc tên và số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân trùng khớp với thông tin của cá nhân thuộc Danh sách đen và trên cơ sở các thông tin thu thập được tin rằng cá nhân đó liên quan tới khủng bố, tài trợ khủng bố, phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
c) Tổ chức liên quan tới giao dịch có một trong các thông tin: tên giao dịch, số giấy phép thành lập, mã số doanh nghiệp hoặc mã số thuế trùng khớp với thông tin của tổ chức thuộc Danh sách đen và trên cơ sở các thông tin thu thập được tin rằng tổ chức đó liên quan tới khủng bố, tài trợ khủng bố, phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
2. Khi áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch, đối tượng báo cáo phải báo cáo ngay cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau:
a) Cơ quan phòng, chống khủng bố có thẩm quyền, Cơ quan đầu mối, đơn vị đầu mối thực hiện phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt khi có căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc Danh sách đen;
b) Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an hoặc đơn vị được Bộ trưởng Bộ Công an phân công khi có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội, bao gồm: giao dịch do người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự yêu cầu thực hiện và tài sản trong giao dịch thuộc quyền sở hữu hoặc có nguồn gốc thuộc quyền sở hữu, quyền kiểm soát của người bị kết án đó; giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm tài trợ khủng bố;
c) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã đề nghị đối tượng báo cáo thực hiện trì hoãn giao dịch khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại các luật có liên quan;
d) Khi áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch quy định tại điểm a, b, c khoản này, đối tượng báo cáo phải báo cáo ngay cho Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.