Quy định của pháp luật về ranh giới thửa đất và giải quyết tranh chấp đất giáp ranh
07/08/2024 04:22:29
Ký giáp ranh đất là việc người sử dụng đất ký xác nhận ranh, mốc giới và ghi ý kiến của mình về ranh giới đất liền kề của họ.
Thế nào là tranh chấp đất giáp ranh
Khái niệm tranh chấp đất đai
Theo quy định tại Khoản 47 Điều 3 Luật đất đai 2024 định nghĩa: Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Khái niệm đất giáp ranh
Hiện nay, chưa có quy định pháp luật chính thức nào giải thích khái niệm đất giáp ranh.
Dựa trên cách hiệu chung nhất, đất giáp ranh được hiểu là những thửa đất liền kề nhau, có chung ranh giới thửa đất.
Từ hai khái niệm trên có thể hiểu tranh chấp đất giáp ranh là những tranh chấp đất đai về việc xác định ranh giới thửa đất của các thửa đất liền kề nhau.
Làm thế nào để xác định ranh giới thửa đất liền kề
Làm thế nào để xác định ranh giới thửa đất liền kề
Theo quy định tại Điều 175 Bộ Luật Dân sự 2015, ranh giới giữa các thửa đất liền kề được xác định dựa trên một trong những căn cứ sau đây:
- Theo thỏa thuận
- Theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền
- Theo tập quán
- Theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp
Ngoài ra, theo nội dung quy định về khái niệm thửa đất tại Khoản 1 Điều 3 Luật Đất đai 2013 thì có thể xác định, ranh giới thửa đất được xác định theo những căn cứ sau:
- Ranh giới xác định trên thực địa
- Ranh giới mô tả trên hồ sơ
Trên thực tế hiện nay, diện tích, ranh giới các thửa đất hầu hết tại các địa phương đều được mô tả tại bản đồ địa chính và các tài liệu khác trong hồ sơ địa chính của địa phương đó.
Vì vậy, khi phát sinh tranh chấp thì hồ sơ địa chính là nguồn chứng cứ quan trọng để xác định ranh giới thửa đất.
Phương thức giải quyết tranh chấp đất giáp ranh
Để giải quyết tranh chấp đất giáp ranh, các bên có thể lựa chọn một trong 03 biện pháp sau đây:
Thương lượng
Thương lượng là biện pháp giải quyết tranh chấp có thể dễ dàng thực hiện và linh hoạt để giải quyết hầu hết các tranh chấp phát sinh trên thực tế và có thể áp dụng đồng thời với các biện pháp giải quyết tranh chấp khác.
Ngoài ra, biện pháp này cũng đảm bảo tính bảo mật thông tin vì không có sự tham gia của bên thứ ba. Đồng thời, khi tiến hành thương lượng, các bên không cần phải tuân theo những thủ tục pháp lý phức tạp.
Tuy nhiên, đối với biện pháp này, có giải quyết tranh chấp được hay không phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí giữa các bên.
Hòa giải
Theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013, việc giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã là thủ tục mà các bên buộc phải thực hiện trước khi yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết tranh chấp.
Để yêu cầu hòa giải, một trong các bên cần làm đơn yêu cầu hòa giải gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có mảnh đất.
Khi tiến hành hòa giải, hòa giải viên đóng vai trò trung gian hòa hoãn và giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn giữa các bên.
Nhìn chung, thủ tục hòa giải cũng không quá phức tạp, các bên có thể dễ dàng thực hiện. Tuy nhiên, tương tự như thương lương, mức độ hiệu quả trong giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào thiện chí của các bên.
Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Căn cứ quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thuộc về Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có thửa đất.
Trong đó, Tòa án là biện pháp giải quyết tranh chấp triệt để nhất so với những biện pháp giải quyết tranh chấp khác.
Tuy nhiên, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết đòi hỏi các bên phải thực hiện theo trình tự, thủ tục nhất định. Do đó, thời gian giải quyết tương đối lâu, nhất là những loại tranh chấp mang tính chất phức tạp.
Thủ tục giải quyết tranh chấp đất giáp ranh
Về cơ bản, để giải quyết tranh chấp đất đai, các bên có thể tự thương lượng, hòa giải.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc tự giải quyết tranh chấp đất đai thường không mấy khả quan về việc giải quyết tranh chấp phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của các bên.
Do đó, có thể nói, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là phương án cuối cùng cũng như là phương án giải quyết tranh chấp tương đối triệt để.
Theo quy định tại Luật Đất đai 2013, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện theo trình tự sau:
Hòa giải cơ sở
Căn cứ pháp lý: Điều 202 Luật Đất đai 2013
- Một hoặc các bên trong tranh chấp gửi đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, nơi có thửa đất đang tranh chấp tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai.
- Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức hòa giải và lập biên bản hòa giải thành/ không thành theo quy định pháp luật.
Lưu ý: Biên bản hòa giải phải có chữ ký của các bên và xác nhận của UBND cấp xã
Trong trường hợp hòa giải thành, các bên thực hiện theo kết quả hòa giải. Ngược lại, nếu hòa giải không thành, các bên tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo.
Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Căn cứ pháp lý: Điều 203 Luật Đất đai 2013
Trường hợp 1: Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013.
Đương sự lựa chọn một trong hai phương thức sau để giải quyết tranh chấp:
Phương thức 1: Yêu cầu UBND có thẩm quyền giải quyết tranh chấp
- UBND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau.
Nếu đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp của UBND cấp huyện thì lựa chọn:
Khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh
Khởi kiện đến Tòa án nhân dân (theo thủ tục tố tụng hành chính).
- UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nếu đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp của UBND cấp huyện thì lựa chọn:
Khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Khởi kiện đến Tòa án nhân dân (theo thủ tục tố tụng hành chính).
Phương thức 2: Khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền (theo thủ tục tố tụng dân sự)
Trường hợp này, Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án cấp huyện hoặc Tòa án cấp tỉnh (nếu vụ án có yếu tố nước ngoài) nơi có thửa đất tranh chấp.
Trường hợp 2: Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013.
Đối với trường hợp này, thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về Tòa án.
Như vậy, Tòa án có thẩm quyền là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong cả hai trường hợp nêu trên.
Đồng thời, trên thực tế, khi phát sinh tranh chấp, các bên thường lựa chọn Tòa án để giải quyết tranh chấp.
Vì vậy, bạn đọc có thể tham khảo thành phần hồ sơ yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp đất đai dưới đây.
Hồ sơ bao gồm:
- Đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
- Bản sao CMND/CCCD/Hộ chiếu của nguyên đơn người khởi kiện và người bị kiện (nếu có). Trường hợp là tổ chức thì cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập tổ chức hoặc những văn bản có giá trị tương đương.
- Biên bản hòa giải không thành của UBND cấp xã
- Tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện
Ví dụ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trích lục hồ sơ địa chính, hợp đồng tặng cho/ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, …
Ngoài ra, trong trường hợp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác khởi kiện thì phải cung cấp thêm giấy ủy quyền, hợp đồng ủy quyền và những tài liệu liên quan.