Nguyên tắc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
08/08/2024 03:49:25
Đăng ký nhãn hiệu như thế nào theo pháp luật sở hữu trí tuệ? Quy định về hồ sơ đăng ký như thế nào? Phí, lệ phí đăng ký nhãn hiệu là bao nhiêu?
Khái niệm nhãn hiệu
Căn cứ theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung 2009, 2019), nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Cụ thể có các loại nhãn hiệu sau đây:
- Nhãn hiệu thông thường là dấu hiệu từ ngữ, hình ảnh hoặc kết hợp cả từ ngữ và hình ảnh, có khả năng phân biệt cho hàng hóa, dịch vụ trong cùng lĩnh vực hoặc trong các lĩnh vực liên quan mật thiết.
- Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu của nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
- Nhãn hiệu âm thanh: gồm dấu hiệu âm thanh được biểu diễn dưới dạng đồ họa.
- Nhãn hiệu chứng nhận: là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, vật liệu, nguyên liệu, cách thức cung cấp dịch vụ, cách thức cung cấp sản xuất hàng hóa, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến một cách rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Nguyên tắc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
Đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam theo nguyên tắc “nộp đơn nhanh nhất”.
Căn cứ vào Điều 90 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 14 Điều 1 Luật Sở hữu Trí tuệ sửa đổi bổ sung 2009 như sau:
Trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau hoặc trường hợp có nhiều đơn của cùng một người đăng ký cá nhãn hiệu trùng dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho:
- Nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên sớm nhất.
- Nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày nộp đơn sớm nhất.
Ngoài ra, nếu các đơn đăng ký cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và có cùng ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn thì cũng sẽ chỉ có 01 văn bằng bảo hộ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đỏ theo thoả thuận của tất cả những người nộp đơn. Trường hợp không thoả thuận được thì các đối tượng đó đều sẽ bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Doanh nghiệp nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam như thế nào?
Căn cứ Điều 91 Luật sở hữu trí tuệ 2005 và Điều 12 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký nhãn hiệu quy định như sau:
- Trong trường hợp người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu muốn hưởng quyền ưu tiên theo quy định của Công ước Paris, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên của người nộp đơn sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
(1) Người nộp đơn là công dân Việt Nam hoặc công dân của nước thành viên Công ước Paris hoặc công dân của nước khác cư trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước thành viên Công ước Paris;
(2) Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước thành viên của Công ước Paris và đơn đó có chứa phần tương ứng với yêu cầu hưởng quyền ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu;
(3) Đơn đăng ký được nộp trong thời hạn sau đây kể từ ngày nộp đơn đầu tiên: 06 tháng đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu, 12 tháng đối với đơn đăng ký sáng chế;
(4) Trong đơn đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn có nêu rõ yêu cầu hưởng quyền ưu tiên và có nộp bản sao đơn đầu tiên nêu tại điều kiện số (2) trong trường hợp nộp tại nước ngoài, trong đó có xác nhận của Cơ quan nhận đơn đầu tiên. Bản sao đơn đầu tiên có thể được nộp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nộp đơn;
(5) Nộp đủ phí yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.
- Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước thành viên của Công ước Paris theo quy định tại điều kiện số (2) là đơn đủ điều kiện để xác nhận ngày đơn đó được nộp tại nước thành viên liên quan, không phụ thuộc vào kết quả xử lý đơn đó.
- Trong trường hợp người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu muốn hưởng quyền ưu tiên theo điều ước quốc tế khác, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng các điều kiện về quyền ưu tiên quy định trong điều ước quốc tế đó.
Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu
- 02 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, đánh máy theo mẫu;
- 05 Mẫu nhãn hiệu kèm theo
- Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Các tài liệu khác (nếu có)
- Giấy uỷ quyền (nếu nộp đơn đăng ký nộp thông qua các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);
- Tài liệu xác nhận được phép sử dụng các dấu hiệu đặc biệt (nếu nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ có chứa các biểu tượng, cờ, huy hiệu của cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế…);
- Tài liệu xác nhận quyền đăng ký;
- Tài liệu xác nhận thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác;
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).
Quy trình đăng ký nhãn hiệu
Quy trình đăng ký nhãn hiệu có vai trò vô cùng quan trọng
Bước 1: Tiếp nhận đơn
Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp nhận đơn.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn.
Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không (Ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ/từ chối chấp nhận đơn). Thời hạn thẩm định hình thức là 01 tháng.
+ Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;
+ Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/không có ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.
Bước 3: Công bố đơn
Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong vòng 02 tháng.
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn
Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng. Thời hạn thẩm định nội dung theo quy định là không quá 09 tháng từ ngày công bố.
Bước 5: Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ:
+ Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
+ Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (Tiếng anh là Certificate of Trademark Registration) là văn bằng pháp lý duy nhất chứng minh sự độc quyền sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu chứng nhận cho tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhất định theo quy định của pháp luật được cấp bởi Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Nội dung chính trên giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bao gồm:
- Số giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
- Tên, địa chỉ của chủ sở hữu giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
- Số đơn, ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;
- Số và ngày quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
- Thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
- Mẫu nhãn hiệu, màu sắc và loại hình của nhãn hiệu;
- Danh mục sản phẩm, dịch vụ mà nhãn hiệu đó áp dụng;
- Thông tin về quá trình gia hạn, sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (nếu có).
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chính là kết quả của quá trình đăng ký nhãn hiệu hợp lệ và đăng ký nhãn hiệu là biện pháp duy nhất để xác định và bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu.
Việc đăng ký giúp đưa nhãn hiệu vào sự bảo hộ của pháp luật hạn chế và ngăn chặn các hành vi không lành mạnh như hàng giả, hàng nhái trên thị trường, ngăn chặn việc xâm phạm đến nhãn hiệu đã được chứng nhận. Mọi hành vi vi phạm đều phải chịu các hình thức xử phạt phù hợp theo quy định của luật pháp.